Bảo dưỡng công nghiệp Việt Nam: Tụt hậu 50 năm

Bảo dưỡng công nghiệp Việt Nam: Tụt hậu 50 năm

Bão dưỡng công nghiệpTheo tiêu chí bảo dưỡng công nghiệp gồm năm cấp bậc phổ biến trên thế giới, thì Việt Nam đang chập chững ở bậc thứ hai và trình độ bảo dưỡng công nghiệp Việt Nam tụt hậu 40 đến 50 năm so với thế giới.Thạc sĩ Nguyễn Hồng Long, chuyên gia trong lĩnh vực bảo dưỡng công nghiệp thuộc trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam (VNCPC) cho biết: Nếu như những năm 60, các nước châu Âu đã vượt qua bảo dưỡng định kỳ và tiến đến bảo dưỡng dựa trên tình trạng của thiết bị thì hiện nay, Việt Nam chỉ đang dừng ở việc bảo dưỡng khi máy hỏng và bảo dưỡng theo định kỳ.Ông Long nói: Đặc thù của bảo dưỡng ở Việt Nam là hình thức bảo dưỡng cơ hội, nghĩa là khi máy hỏng ở một bộ phận, ngoài việc bảo dưỡng bộ phận bị hỏng, thì nhân lúc đó sẽ bảo dưỡng luôn những bộ phận còn lại.

Một nghiên cứu mới đây ước tính rằng 50% máy móc thiết bị tại các công ty sản xuất công nghiệp Việt Nam bị hỏng hoặc hư hại nghiêm trọng do không được bảo dưỡng. Vì thế, vấn đề thiếu bảo dưỡng công nghiệp hiện nay đang là một thách thức đối với hiệu quả và lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên giải quyết vấn đề này sẽ mang lại tiềm năng lớn về tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh.
Tuy có một số doanh nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài đã áp dụng bảo dưỡng công nghiệp rất tốt, như các công ty của Nhật: Honda, Toyota…họ áp dụng những chuẩn riêng của họ, không theo chuẩn Việt Nam. Nhưng so với tình trạng chung của bảo dưỡng công nghiệp Việt Nam, thì đó chỉ như “miếng vá đẹp trên một cái áo rách”, ông Long nói.

Ông Rudy Bunda, chuyên gia quốc tế từng có 30 năm kinh nghiệm trong bảo dưỡng công nghiệp tại Hoa Kỳ và đến hơn 400 trung tâm sản xuất sạch của nhiều nước trên thế giới, cho biết, bảo dưỡng công nghiệp cũng giống như việc duy trì tình trạng sức khỏe của con người hoặc bảo dưỡng xe máy, cần phải duy trì tình trạng tốt của máy móc bằng cách sửa chữa, làm sạch, tra dầu mỡ, hoặc nâng cấp có hệ thống mà không làm ảnh hưởng đến sản xuất.

5 cấp độ trong bảo dưỡng công nghiệp:

 

  • Bảo dưỡng khi hỏng máy
  • Bảo dưỡng phòng ngừa bao gồm bảo dưỡng định kỳ theo thời gian hoặc dựa trên tình trạng thiết bị
  • Bảo dưỡng dự báo trước khi máy hỏng
  • Bảo dưỡng hiệu suất
  • Bảo dưỡng hiệu suất tổng thể.

Nguyên nhân: Việt Nam từng là một bãi rác công nghiệp

Việt Nam từng có trình độ bảo dưỡng công nghiệp khá tốt trong thời kỳ bao cấp, khi máy móc thường nhập từ các nước XHCN với những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng của các chuyên gia nước bạn.
Tuy nhiên sau đó, thiết bị được nhập về từ khắp nơi. Có một thời gian, nước ta trở thành bãi rác công nghệ với rất nhiều thiết bị cũ được nhập từ các nước. Vì thế, các hướng dẫn sử dụng và bảo hành thiết bị khác nhau, gây nhiều khó khăn cho người quản lý cũng như kỹ thuật bảo dưỡng.
Thêm nữa, trình độ bảo dưỡng của Việt Nam tụt hậu còn do cách tiếp cận cũng như suy nghĩ về bảo dưỡng ở Việt Nam.
Ở nước ngoài, họ coi bảo dưỡng và sản xuất là hai mặt của một vấn đề. Một bên là sản xuất và bên kia là bảo dưỡng, hai mặt gắn chặt với nhau. Bảo dưỡng cũng đóng góp lợi nhuận của công ty.
Còn đối với Việt Nam, giống như hai cánh tay, tay phải là sản xuất, tay trái là bảo dưỡng, sản xuất thì ra tiền còn bảo dưỡng thì tốn tiền. Vì thế người ta cố gắng chi phí tối thiếu cho phần bảo dưỡng.

Khởi động một dự án về bảo dưỡng công nghiệp

Trước thực trạng trên, một dự án về bảo dưỡng công nghiệp đã được khởi động sáng nay, 11-5, tại trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam (VNCPC) với sự hỗ trợ của chương trình hợp tác Wallonie-Bruxelles (Bỉ).
Hội thảo giúp nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và tổ chức về các lợi ích của bảo dưỡng công nghiệp.
Dự án kéo dài một năm sẽ giới thiệu với các công ty Việt Nam những lợi ích tiềm năng mà họ có thể đạt được thông qua việc áp dụng các kỹ thuật bảo dưỡng công nghiệp hiện đại.
Mục tiêu chính của dự án là cung cấp các kỹ năng và công cụ cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, các nhân viên VNCPC và các nhà cung cấp dịch vụ khác của Việt Nam nhằm cải thiện quản lý bảo dưỡng và tối đa hóa đầu ra theo đó nâng cao hiệu suất, năng suất và lợi nhuận.
Dự án kết thúc vào giữa năm 2008 và sẽ tiến hành một loạt các khóa đào tạo về các kỹ thuật bảo dưỡng công nghiệp, và các hoạt động trình diễn tại ba công ty Việt Nam nhằm khẳng định lợi ích của việc áp dụng bảo dưỡng công nghiệp vào hoàn cảnh của Việt Nam.

Tất cả các khóa tập huấn và các dự án trình diễn sẽ do VNCPC tiến hành với sự hỗ trợ của các chuyên gia bảo dưỡng công nghiệp của Bỉ. Trị giá của dự án là 150.000 euro bao gồm chi phí thuê chuyên gia, trang thiết bị đo đạc sử dụng trong quá trình đào tạo tại Việt Nam, gửi một số chuyên gia sang học tại Bỉ…
Ông Long cho biết, đối tượng của dự án là các doanh nghiệp trong nước. Sẽ có khoảng 4-5 lớp học được tổ chức với sự tham gia của khoảng 35-40 người mỗi lớp, phục vụ cho khoảng 25-30 công ty.
Lợi ích lớn nhất của dự án là giúp thay đổi nhận thức của các công ty trong việc bảo dưỡng công nghiệp. Để rồi khi áp dụng, các công ty sẽ tăng lợi nhuận, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân cũng như giảm ảnh hưởng tới môi trường.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Christian Saelens, đại diện phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam nhấn mạnh, ở Việt Nam hiện nay, chi phí bảo vệ môi trường rất nhỏ so với chi phí của sản phẩm. Vì thế, Việt Nam phải quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường, đưa chi phí bảo vệ môi trường vào sản phẩm.Và một trong những hoạt động để bảo vệ môi trường chính là bảo dưỡng công nghiệp.
Theo ông Long, Việt Nam nên có những dự án tầm quốc gia về bảo dưỡng.
Ông Long tin tưởng, nếu Việt Nam thực hiện tốt bảo dưỡng thì GDP có thể tăng không phải là 8% mà là thêm vài phần trăm nữa.”

Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam (VNCPC) được thành lập tháng 4-1998 tại Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn (SXSH). Kể từ đó đến nay, Trung tâm đã đóng góp vào việc nâng cao nhận thức của công chúng về sản xuất xanh hơn thông qua các hội thảo tại 19 tỉnh thành với hơn 1.700 người tham dự; Trung tâm đã tập huấn cho 5000 lượt người, giới thiệu SXSH vào nội dung học tập tại 5 trường Đại học quốc gia, và huấn luyện hơn 100 tư vấn viên trong đánh giá SXSH chuyên ngành.

(Tác giả: Hồng Vân)